Cách vệ sinh máy làm sữa hạt sao cho sạch sẽ và nhanh chóng là điều rất nhiều chị em nội trợ quan tâm. Vấn đề này cực kỳ quan trọng bởi ảnh hưởng đến chất lượng sữa thành phẩm cũng như mức độ an toàn với người sử dụng. Vậy vệ sinh các bộ phận của máy làm sữa hạt như thế nào là chính xác? Có lưu ý gì khi vệ sinh hay không? Chuối Xanh Reviews sẽ giải đáp chi tiết trong bài viết sau.
Cách vệ sinh máy làm sữa hạt – Vệ sinh lưỡi dao
Máy làm sữa hạt là thiết bị công nghệ cao, tích hợp chức năng xay nhuyễn và nấu các loại hạt như đậu nành, hạnh nhân, óc chó… thành sữa mịn. Sản phẩm giúp các chị em chuẩn bị cho cả gia đình những ly sữa hạt thơm ngon và giàu dinh dưỡng chỉ trong thời gian ngắn thay vì đi mua ở ngoài.
Không chỉ giới hạn ở việc làm sữa hạt, máy còn có thể chế biến các món cháo, súp,… cực kỳ tiện lợi. Với những tính năng hiện đại, sản phẩm trở thành thiết bị gia dụng không thể thiếu trong căn bếp của gia đình Việt.
Để đảm bảo độ an toàn cho sức khỏe cũng như tuổi thọ sản phẩm, chị em cần vệ sinh làm sạch thiết bị kỹ lưỡng theo từng bộ phận. Tham khảo ngay hướng dẫn vệ sinh lưỡi dao – Bộ phận quan trọng bậc nhất của máy làm sữa hạt. Từ đó, duy trì hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn vệ sinh và kéo dài tuổi thọ của thiết bị nhé!
Lưỡi dao có thể tháo lắp
Trường hợp đầu tiên là đối với những loại máy làm sữa hạt có thể tháo rời lưỡi dao. Quá trình vệ sinh thiết bị này sẽ dễ dàng và an toàn hơn so với loại lưỡi dao không thể tháo rời. Cụ thể các bước thực hiện như sau:
- Tháo lưỡi dao: Bạn lật ngược thân cối để thấy vít kết nối giữa lưỡi dao và cối xay. Sau đó, sử dụng khăn hoặc găng tay dày để bảo vệ tay trước các lưỡi dao sắc bén, rồi nhẹ nhàng tháo vít theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
- Vệ sinh lưỡi dao: Sau khi lưỡi dao đã được tháo rời, hãy dùng khăn rửa bát hoặc miếng bọt biển mềm để nhẹ nhàng vệ sinh lần lượt từng cánh dao. Khi thực hiện cần làm sạch kỹ lưỡng, đặc biệt chú ý đến các góc cạnh có những cặn bẩn cứng đầu bám chặt. Trong quá trình làm sạch cánh dao cũng cần đeo găng tay bảo hộ để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị đứt tay.
- Rửa lại với nước: Khi đã làm sạch các lưỡi dao, bạn rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ hoàn toàn chất bẩn và chất tẩy rửa. Sau đó, bảo quản lưỡi dao ở nơi khô ráo trước khi lắp ráp lại với thân cối.
Lưỡi dao không thể tháo lắp
Nếu lưỡi dao của máy làm sữa hạt không thể tháo rời, bạn có thể vệ sinh trực tiếp ngay trong cối xay. Ngoài ra, trong trường hợp thiết bị của bạn không quá bẩn hoặc bạn mới vệ sinh định kỳ thì cũng có thể áp dụng cách này. Dưới đây là các bước thực hiện chi tiết:
- Ngâm lưỡi dao: Đổ một lượng nước vừa đủ vào cối xay và ngâm từ 2-5 phút để làm mềm các vết bẩn, giúp việc vệ sinh trở nên dễ dàng hơn. Nếu có các vết bẩn cứng đầu, bạn có thể sử dụng nước coca cola để ngâm trong khoảng 20 phút để loại bỏ mảng bám nhanh chóng mà không chà xát mạnh.
- Vệ sinh lưỡi dao: Sử dụng một chút enzyme bồ hòn hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng lên miếng bọt biển rồi thả miếng bọt biển vào đáy cối. Dùng một chiếc que dài hoặc đũa để di chuyển miếng bọt biển qua lại, đảm bảo lưỡi dao và các ngóc ngách trong cối đều được làm sạch kỹ lưỡng.
- Làm sạch lần 2: Để làm sạch lưỡi dao kỹ hơn, bạn có thể bật máy trong khoảng 30 giây, tác động quay lưỡi dao sẽ khiến các mảng bám bị văng ra ngoài. Cuối cùng, rửa lại cối xay và lưỡi dao bằng nước sạch, đảm bảo không còn cặn bẩn hay chất tẩy rửa nào sót lại.
Cách vệ sinh máy làm sữa hạt – Vệ sinh lòng cối xay
Khi vệ sinh lòng cối của máy làm sữa hạt, tránh sử dụng cước sắt để chà rửa. Dụng cụ này có thể khiến bề mặt cối bị trầy xước, làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thao tác thực hiện cần cẩn thận để tránh va đập cối vào vật cứng, gây nứt vỡ, làm giảm hiệu suất sử dụng và độ bền của máy. Để vệ sinh lòng cối hiệu quả, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Ngâm cối: Ngâm cối với nước sạch trong khoảng 2-5 phút hoặc ngâm với coca trong khoảng 20 phút. Quá trình này sẽ làm mềm các vết bẩn và mảng bám cứng đầu, dễ dàng loại bỏ chúng mà không cần dùng đến các vật liệu chà xát mạnh.
- Làm sạch bên trong cối: Cho một lượng nhỏ nước rửa chén lên miếng bọt biển mềm. Sau đó, dùng que đẩy miếng bọt biển từ từ di chuyển từ trên xuống dưới, đảm bảo làm sạch toàn bộ lòng cối.
- Vệ sinh bên ngoài cối: Sau khi làm sạch lòng cối, sử dụng cùng miếng bọt biển đó để cọ sạch phần bên ngoài cối, thực hiện tương tự như vệ sinh mặt trong.
- Rửa sạch và để ráo: Cuối cùng, rửa lại cối bằng nước sạch để loại bỏ bọt và chất bẩn còn sót lại, rồi để cối ráo nước.
Vệ sinh nắp cối
Nắp cối của máy làm sữa hạt thường có thiết kế đơn giản, không có các cạnh sắc nhọn và cũng không chứa động cơ, nên việc vệ sinh khá dễ dàng. Để đảm bảo nắp cối luôn sạch sẽ, bạn cần làm sạch cả bề mặt bên trong và bên ngoài, giúp loại bỏ hoàn toàn các cặn bẩn hay mảng bám tích tụ.
Các đường rãnh khớp lắp ráp với cối xay thường khó vệ sinh nhất, do đó bạn cần chú ý làm sạch kỹ lưỡng bằng cách sử dụng bàn chải nhỏ hoặc tăm bông để loại bỏ cặn bẩn. Sau khi hoàn tất, hãy tráng lại nắp cối với nước sạch và để khô tự nhiên trước khi sử dụng lại.
Cách vệ sinh máy làm sữa hạt – Vệ sinh phần thân máy
Thân máy là phần vô cùng quan trọng, chứa các linh kiện, mạch điều khiển và các phím chức năng của máy làm sữa hạt. Do đó, cần được vệ sinh đúng cách để bảo vệ tuổi thọ và hiệu suất hoạt động của thiết bị. Tuyệt đối không ngâm thân máy trong nước hoặc rửa trực tiếp dưới vòi, vì có thể gây hỏng hóc linh kiện bên trong. Thay vào đó, bạn chỉ cần sử dụng một khăn mềm ẩm để lau sạch các vết bẩn bên ngoài.
Khi vệ sinh, đặc biệt chú ý đến khu vực nút bấm, nhất là dạng nút bấm cảm ứng. Các vết bẩn như cặn đường, sữa,… cần được lau sạch để các phím có thể hoạt động nhạy bén và chính xác. Sau khi lau bằng khăn ẩm, bạn nên dùng khăn khô để lau lại, đảm bảo bề mặt khô ráo hoàn toàn.
Đồng thời, để tăng tuổi thọ cho thiết bị, hãy bảo quản máy ở nơi khô thoáng, tránh xa những khu vực ẩm ướt hoặc có nhiều bụi bẩn. Ngoài ra, định kỳ kiểm tra và làm sạch các khe kẽ của thiết bị để đảm bảo máy luôn hoạt động hiệu quả và tránh tình trạng quá nhiệt.
Lưu ý khi vệ sinh máy làm sữa hạt
Máy làm sữa hạt là thiết bị có nhiều bộ phận và các chi tiết nhỏ, khiến người dùng gặp nhiều khó khăn trong quá trình vệ sinh. Vì vậy, ngoài hướng dẫn vệ sinh từng bộ phận chúng tôi vừa chia sẻ, chị em có thể tham khảo thêm những lưu ý sau. Nhờ đó, quá trình vệ sinh sẽ nhanh chóng, đảm bảo tuổi thọ của thiết bị:
- Trước khi vệ sinh hoặc tháo rời các bộ phận, luôn chắc chắn thiết bị đã được ngắt điện hoàn toàn để giảm thiểu tối đa nguy cơ giật điện.
- Thực hiện các thao tác tháo lắp một cách nhẹ nhàng để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và hạn chế nguy cơ làm hỏng các bộ phận.
- Chỉ lau sạch bằng khăn mềm ẩm đối với những bộ phận có gắn động cơ như thân máy, không ngâm nước hoặc rửa trực tiếp dưới nước để tránh làm hỏng động cơ do chập mạch.
- Các bộ phận có khớp nối và khóa cài dễ dàng tháo lắp nên không cần dùng lực mạnh, tránh làm hỏng cấu trúc của thiết bị.
- Sử dụng khăn mềm hoặc bọt biển để làm sạch các bộ phận, tránh dùng cước sắt tránh làm trầy xước bề mặt các bộ phận.
- Ưu tiên các sản phẩm làm sạch tự nhiên thay vì hóa chất để bảo vệ thiết bị và sức khỏe người dùng.
- Sau khi vệ sinh, các bộ phận cần được để khô hoàn toàn trước khi lắp ráp lại để tránh nước rò rỉ vào động cơ, gây chập điện hoặc hỏng hóc.
- Lưu giữ các bộ phận ở nơi khô ráo, thoáng mát để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho những lần sử dụng sau.
- Khi lắp lại, chú ý đặt các bộ phận vào đúng vị trí, lắp ráp theo trình tự để tránh tình trạng kênh, cong vênh gây cản trở hoạt động của máy.
Chuối Xanh Reviews vừa chia sẻ với bạn cách vệ sinh máy làm sữa hạt cũng như lưu ý trong quá trình vệ sinh. Hy vọng với những chia sẻ của chúng tôi, bạn đọc có thể vệ sinh thiết bị làm sữa hạt nhanh chóng, thuận tiện để tạo ra những ly sữa thơm ngon, bổ dưỡng và hợp vệ sinh cho gia đình nhé!