Máy xay nấu là thiết bị gia dụng hữu ích trong mỗi gia đình. Sau thời gian sử dụng, máy xay nấu bị lỗi khiến nhiều người dùng lo lắng không biết nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào. Khám phá ngay các lỗi thường gặp trên máy xay nấu, cách khắc phục, cũng như những lưu ý khi sử dụng sản phẩm trong bài viết sau đây cùng Chuối Xanh Reviews bạn nhé!
Các lỗi thường gặp khi sử dụng máy xay nấu
Máy xay nấu hay còn được biết đến với tên gọi là máy làm sữa hạt. Thiết bị gia dụng cực kỳ đa năng tích hợp chức năng xay các loại hạt như đậu nành, hạnh nhân, óc chó… thành sữa. Sau đó, đun nấu tự động giúp bạn tạo ra những ly sữa hạt thơm ngon, giàu dinh dưỡng nhanh chóng.
Ngoài làm sữa hạt, thiết bị còn có thể chế biến các món cháo, sinh tố, súp,… cực kỳ tiện lợi. Thiết bị là giải pháp bổ sung dinh dưỡng hoàn hảo và lành mạnh cho những người theo chế độ ăn healthy, eat clean hay những người dị ứng với sữa động vật. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, máy xay nấu có thể gặp một số lỗi làm gián đoạn quá trình sử dụng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục các lỗi thường gặp trong phần tiếp theo của bài viết.
Máy xay nấu bị lỗi không lên điện
Lỗi máy không lên điện xuất hiện khá phổ biến với các dấu hiệu như: Khi cắm điện thì máy không kết nối, đang vận hành thì không lên điện và dừng đột ngột,… Sự cố này thường xuất hiện bởi các nguyên nhân như:
- Người dùng lắp đặt các bộ phận của máy không đúng khớp, không đúng vị trí.
- Không đóng chặt khớp của nắp trên cùng nên khi vận hành nắp và cối thủy tinh bị tách rời. Điều này khiến máy bật tính năng an toàn nên dừng đột ngột và ngắt điện bởi
- Trong quá trình nấu sữa hạt, đáy cối bị đóng quá nhiều đường và các thành phần khác. Khi nhiệt độ của máy tăng cao, đường bị cháy khét nên máy tự động ngắt điện.
-> Khắc phục: Để khắc phục tình trạng này, người dùng cần lắp đặt các bộ phận một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Sau khi lắp đặt nên kiểm tra lại xem các bộ phận đã lắp đúng khớp hay chưa rồi đóng chặt nắp trước khi khởi động máy. Ngoài ra, hòa tan hết đường trước khi cho vào cối của thiết bị.
Máy xay nấu bị lỗi trào sữa ra ngoài
Mỗi dòng máy có dung tích sử dụng khác nhau, nếu bạn cho quá nhiều nước vào trong cối có thể dẫn đến lỗi sữa trào ra ngoài khi máy xay nấu đang vận hành. Sự cố này khiến người dùng phải dọn dẹp vệ sinh, lãng phí nguyên liệu và tiềm ẩn nguy cơ gây chập cháy, hư hỏng thiết bị.
-> Khắc phục: Để giải quyết sự cố này, bạn chỉ nên cho vào máy khoảng 1.2-1.4L nước và 0.8g hạt đã ngâm. Đối với những loại hạt có độ nở khi nấu thì bạn nên cho ít hạt hơn và chỉ nên nấu khoảng 1L nước.
Máy xay nấu bị lỗi nút cảm ứng không nhận
Nếu bạn không sử dụng được các tính năng của thiết bị bởi nút nhấn cảm ứng không sử dụng được thì nguyên nhân có thể do bề mặt bàn phím bị dính nước hoặc sữa rớt ra. Ngoài ra, nếu tay bạn bị ướt hoặc bị bẩn thì cảm ứng cũng không thể nhận diện.
-> Khắc phục: Bạn cần vệ sinh tay sạch sẽ và khô trước khi sử dụng các phím cảm ứng của thiết bị. Đồng thời, vệ sinh bàn phím cảm ứng bằng khăn ẩm để làm sạch cách vết bẩn trên bề mặt phím là có thể sử dụng lại bình thường. Trong trường hợp máy xay nấu gặp lỗi này mà bạn không thể khắc phục bằng cách trên thì cần liên hệ với các đơn vị sửa chữa để được hỗ trợ.
Máy xay nấu bị lỗi nứt cối
Cối của các loại máy làm sữa hạt thường được làm bằng thủy tinh cực kỳ chắc chắn và cũng ít khi bị nứt vỡ. Tuy nhiên, nếu bạn mua nhầm những thiết bị kém chất lượng hoặc vô tình khiến cối xay bị va đập vào vật cứng khi vệ sinh, bị rơi từ trên cao,… thì cũng có thể xuất hiện tình trạng nứt vỡ.
-> Khắc phục: Trong trường hợp cối đã bị nứt vỡ bạn nên thay thế bằng cối chính hãng được cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc thay mới sản phẩm chất lượng hơn. Từ đó, tránh trường hợp các nguyên liệu và sữa thành phẩm bị rò rỉ ra ngoài làm lãng phí nguyên liệu, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy hoặc hư hỏng thiết bị.
Máy xay nấu bị lỗi E1, E2, E3
Máy xay nấu bị lỗi E1, E2, E3 có lẽ là lỗi khiến người dùng lo lắng nhất bẩn nếu không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thì khó có thể biết đây là lỗi gì. Nguyên nhân khiến máy hiển thị các lỗi này thường là:
- Lỗi E1: Mâm nhiệt bị dính nước khiến nhiệt truyền vào kém hoặc chập chờn không ổn định. Các khớp nối chưa đúng vị trí, bị cong vênh hoặc sữa đang nấu quá đặc.
- Lỗi E2: Thiết bị hoạt động quá tải làm đáy bị cháy khiến, tiềm ẩn nguy cơ làm cháy máy hoặc sữa có mùi khê. Nước đổ vào máy chưa đạt mức tối thiểu. Nắp chưa đóng kín hoặc chưa đóng đúng vị trí.
- Lỗi E3: Mâm nhiệt bị dính nước khiến nhiệt truyền vào kém hoặc chập chờn không ổn định.
-> Khắc phục: Lỗi máy hiển thị E1, E2, E3 có thể được khắc phục bằng những cách sau:
- Sử dụng khi cối đã khô nước hoặc dùng máy sấy để sấy khô đế của cối thủy tinh trước khi dùng.
- Tránh tình trạng cho quá nhiều nguyên liệu khiến sữa bị đặc, tối đa 150g hạt mỗi lần nấu. Nguyên liệu có độ nở như khoai lang, đậu xanh,… chỉ nên cho khoảng 100g/lần.
- Không nên cho các nguyên liệu có độ nhớt, dẻo, dính vào máy xay nấu như: Hạt chia, gạo nếp, sắn,…
Cách vệ sinh máy làm sữa hạt
Thay vì phải mua sữa hạt đóng gói bên ngoài, máy xay nấu giúp bạn có thể tự do lựa chọn nguyên liệu và chế biến những ly sữa hạt thơm ngon, bổ dưỡng theo sở thích của mình. Tuy nhiên, quá trình vệ sinh thiết bị luôn làm chị em đâu đầu bởi lớp mảng bám cứng, khó vệ sinh ở đáy cối. Khám phá ngay cách vệ sinh từng bộ phận của thiết bị nhanh chóng và tiện lợi ngay sau đây.
Vệ sinh lưỡi dao
Lưỡi dao là bộ phận quan trong giúp xay nhuyễn các loại hạt để chiết xuất giá trị dinh dưỡng của chúng thành thức uống. Lưỡi dao rất sắc nên bạn cần cẩn trọng để không bị đứt tay. Tùy từng sản phẩm mà kết cấu của lưỡi dao sẽ khác nhau, do đó bạn cũng có thể lựa chọn cách vệ sinh phù hợp.
Lưỡi dao có thể tháo lắp
Đối với các thiết bị có thể tháo rời lưỡi dao để vệ sinh thì quá trình này sẽ đơn giản hơn. Bạn chỉ cần lật ngược thân cối lại để thấy vít kết nối cố định lưỡi dao với cối, dùng khăn hoặc gang tay dày rồi tháo vít ngược chiều kim đồng hồ là được.
Sau khi đã tháo được lưỡi dao, bạn sẽ dùng khăn rửa bát hoặc miếng bọt biển nhẹ nhàng vệ sinh từng cánh dao. Cuối cùng, rửa lại với nước sạch, bảo quản nơi khô ráo trước khi kết nối lại với thân cối.
Lưỡi dao không thể tháo lắp
Trong trường hợp máy xay nấu không bị quá bẩn hoặc không thể tháo lắp phần lưỡi dao thì bạn cũng có thể vệ sinh ngay trong cối xay của thiết bị. Các bước thực hiện như sau:
- Cho một lượng nước vừa đủ vào cối để ngâm khoảng 2-5 phút cho các vết bẩn mềm hơn giúp quá trình vệ sinh dễ hơn. Ở công đoạn này, bạn cũng có thể thay nước bằng coca cola để ngâm thiết bị giúp loại bỏ vết bẩn cứng đầu nhanh chóng.
- Sau đó, thêm một chút enzyme bồ hòn hoặc các dung dịch vệ sinh vừa đủ vào miếng bọt biển rồi thả vào đáy cối. Sử dụng chiếc que dài hoặc đũ để di chuyển miếng bọt biển đến các ngóc ngách của lưỡi dao.
- Có thể bật máy khoảng 30 giây để làm sạch kỹ hơn hoặc rửa lại ngay bằng nước sạch là được.
Vệ sinh lòng cối xay
Khi vệ sinh cối xay bạn cũng không nên dùng cước sắt vì sẽ khiến cối bị trầy xước gây mất thẩm mỹ. Đồng thời, thao tác cẩn thận tránh làm cối bị va đập vào vật cứng gây nứt vỡ. Thực hiện quy trình vệ sinh theo hướng dẫn sau:
- Ngâm cối với nước sạch khoảng 2-5 phút hoặc ngâm với coca khoảng 20 phút để làm mềm vết bẩn và mảng bám.
- Cho một lượng nước rửa vào miếng bọt biển rồi dùng que hoặc đũng đưa miếng bọt biển di chuyển từ trên xuống dưới lần lượt hết lòng cối. Sau đó, cọ thành bên ngoài cối.
- Cuối cùng, rửa lại với nước sạch và để ráo nước.
Vệ sinh nắp cối
Nắp cối không có các cạnh sắc nhọn cũng không chứa động cơ nên dễ dàng vệ sinh. Bạn chỉ cần làm sạch trong và ngoài nắp để loại bỏ các cặn bẩn hoặc mảng bám trên nắp. Các đường rãnh là khớp lắp ráp với cối xay sẽ khó vệ sinh nhất nên bạn cần tỉ mỉ làm sạch bộ phận này. Sau đó, tráng lại toàn bộ nắp cối với nước sạch và để ráo nước là được.
Vệ sinh phần thân máy
Thân máy là bộ phận cực kỳ quan trọng, có chứa các linh kiện, mạch điều khiển hay cả các phím chức năng của thiết bị. Do đó, bạn không nhúng bộ phận này vào nước hay rửa dưới vòi nước mà chỉ cần dùng khăn ẩm lau sạch các vết bẩn bên ngoài là được.
Đặc biệt chú ý đến khu vực các nút bấm, nhất là nút bấm cảm ứng. Cần vệ sinh sạch các vết bẩn, cặn đường, sữa,… trên bề mặt để phím có thể nhận diện điều khiển của người dùng. Sau khi lau bằng khăn ẩm thì có thể lau lại bằng khăn khô và bảo quản ở vị trí khô ráo để đảm bảo an toàn, tuổi thọ của thiết bị.
Lưu ý khi vệ sinh máy làm sữa hạt
Trong quá trình vệ sinh máy xay nấu, để đảm bảo chất lượng các bộ phận, tuổi thọ của thiết bị cũng như an toàn cho người thực hiện, bạn cần lưu ý một vài vấn đề như sau:
- Đảm bảo ngắt nguồn điện hoàn toàn trước khi vệ sinh hoặc tháo lắp các bộ phận.
- Khi tháo lắp, vệ sinh các bộ phận bạn cần thao tác cẩn thận để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như tránh làm bộ phận bị va đập dẫn đến hư hỏng.
- Các bộ phận gắn liền với động cơ thì bạn chỉ lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm ẩm, TUYỆT ĐỐI không được nhúng nước hay rửa dưới vòi nước vì sẽ làm động cơ bị chập mạch.
- Mỗi bộ phận đều có khớp nối và khóa cài nên dễ dàng tháo lắp, bạn không cần sử dụng lực quá mạnh vì có thể khiến các bộ phận bị hư hỏng.
- Khi vệ sinh các bộ phận, chỉ nên dùng khăn mềm hoặc miếng bọt biển, không nên sử dụng miếng cước sắt vì sẽ làm xước bề mặt.
- Ưu tiên sử dụng những nguyên liệu vệ sinh có nguồn gốc từ thiên nhiên thay vì các hóa chất làm sạch.
- Sau khi vệ sinh, cần để các bộ phận khô ráo hoàn toàn rồi mới lắp đặt lại thiết bị để hạn chế tình trạng rò nước vào động cơ gây hư hỏng hoặc chập điện.
- Cần bảo quản các bộ phận ở những nơi khô ráo, thoáng mát, đảm bảo an toàn và vệ sinh cho những lần sử dụng tiếp theo.
- Khi lắp đặt lại các bộ phận, cần lắp đúng trình tự, đúng kỹ thuật để các thiết bị vào đúng vị trí, không bị kênh, cong vênh khiến máy không hoạt động.
Chuối Xanh Reviews vừa chia sẻ với bạn nguyên nhân và cách khắc phục khi máy xay nấu bị lỗi. Đồng thời, chia sẻ chi tiết về cách vệ sinh, lưu ý khi vệ sinh để đảm bảo an toàn vệ sinh và an toàn cho người thực hiện. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích để sử dụng sản phẩm.